BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH
1. Viêm não Nhật Bản phổ biến như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 68.000 ca viêm não Nhật Bản xảy ra mỗi năm. Những người có nguy cơ cao nhất bị viêm não Nhật Bản là những người sống và làm việc ở các vùng nông thôn nơi tình trạng này lan rộng. Khoảng 75% trường hợp liên quan đến trẻ em dưới 15 tuổi.
Biểu hiện bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em rất đa dạng. Cụ thể như sau:
· Thể tối cấp: Diễn ra nhanh chóng, giai đoạn sốt chỉ 1-2 ngày.
· Thể cấp tính: Với biểu hiện rối loạn phát âm, khàn tiếng, khó thở, khó nuốt, liệt màn hầu, liệt chi.
· Thể viêm màng não đơn thuần: Cổ gượng, đôi khi có rối loạn ý thức, kèm thay đổi dịch não tủy.
· Thể thô sơ: Sốt, nhức đầu, nôn, tiêu lỏng, cứng gáy. Di chứng xuất hiện muộn.
· Biểu hiện thể điển hình ở giai đoạn ủ bệnh khoảng 1 tuần (5 -15 ngày), giai đoạn khởi phát từ 1 - 4 ngày; sốt cao đột ngột 39 40 độ C, thường sốt liên tục; đau đầu, đối với trẻ còn bú biểu hiện các cơn khóc thét; buồn nôn, nôn.
· Biểu hiện thể điển hình ở giai đoạn toàn phát: Từ 1 - 2 tuần sau giai đoạn khởi phát, nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng thần kinh; rối loạn tri giác như ngủ gà, li bì khó đánh thức, đờ đẫn, hôn mê; co giật, co giật toàn thân; có thể có dấu hiệu thần kinh như cổ gượng, liệt chi, dấu thần kinh khu trú, tăng trương lực cơ; suy hô hấp.
Viêm não Nhật Bản gây ra nhiều biến chứng cho con người như: viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, suy kiệt, loét, suy hô hấp..... dẫn đến tử vong. Di chứng bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em rất nặng nề, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các di chứng như: rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường....
Mỗi năm có khoảng 68.000 ca viêm não Nhật Bản xảy ra
2. Tiêm ngừa là biện pháp phòng ngừa viêm não Nhật Bản tốt nhất
Bệnh viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc đặc trị vì thế việc chủng ngừa là biện pháp phòng tránh viêm não Nhật Bản tốt nhất. Bên cạnh đó, mọi người cần chủ động thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; mắc màn khi ngủ; vệ sinh cá nhân tốt, thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống chín; thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
Vắc-xin viêm não Nhật Bản cần chủ động tiêm cho trẻ em dưới 15 tuổi:
· Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
· Mũi 2: sau khi tiêm mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
· Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi.
Trên đây là bài truyền thông về bệnh Viêm não Nhật Bản của Trạm y tế xã Đồng Thắng./.
BS. Lê Thị Oanh - Trạm y tế